Top 4 sách về chiến lược tiếp thị bạn nhất định không được bỏ qua
Với những người “dấn thân” vào con đường làm chiến lược tiếp thị, bên cạnh việc thực thi để có thể tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân thì việc đọc sách cũng có thể giúp cho bạn tích luỹ được những kiến thức, lý thuyết đúng đắn để áp dụng vào thực tiễn. Nếu bạn đang tìm kiếm những quyển sách về chiến lược tiếp thị thì đây sẽ là những gì bạn không nên bỏ qua.
1. Nghệ thuật của chiến lược (The Art of Strategy)
The Art of Strategy hay còn có tên tiếng Việt “Nghệ thuật của chiến lược” là một quyển sách của hai tác giả là Avinash Dixit (một nhà kinh tế và đồng thời là một giáo sư tại trường Đại học Princeton) và Barry Nalebuff (một doanh nhân và đồng thời là giáo sư chuyên ngành quản trị tại trường Đại học Yale).
Chia chiến lược thành hai thái cực, động và tĩnh, quyển sách này đề cập đến những định nghĩa cơ bản nhất của việc hình thành kế hoạch và chiến lược. Trong khi chiến lược tĩnh phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định ban đầu của bạn thì chiến lược động sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Cụ thể, các bên có thể tương tác, tác động lẫn nhau và làm thay đổi quyết định ban đầu. Lúc này, càng có nhiều bên tham gia thì chiến lược gia sẽ càng khó khăn trong việc đưa ra quyết định.
Chiến lược tiếp thị được xếp vào dạng chiến lược động và phức tạp, bởi để cho ra được một chiến lược tiếp thị sẽ cần phải có sự tác động và ảnh hưởng từ nhiều yếu tố (thời gian, tài lực, nhân lực,…) và mỗi ngành hàng sẽ có nhiều biến số khác nhau làm thay đổi chiến lược ban đầu.
2. 22 quy luật bất biến của tiếp thị (The 22 Immutable Laws of Marketing)
“22 Quy luật bất biến của tiếp thị” là một cuốn sách chiến lược tiếp thị được viết bởi hai học giả danh tiếng toàn cầu trong ngành là Al Ries và Jack Trout.
Nhờ vào cuốn sách này, người làm chiến lược tiếp thị đương đại có thể tiếp cận được những lý thuyết nền tảng vô cùng mới mẻ, chẳng hạn như khái niệm định vị (positioning) – cách tập trung đánh mạnh một ưu điểm đặc biệt duy nhất của thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Lý thuyết này đã trở thành nền móng cho các chiến lược thương hiệu và tiếp thị về sau.
“22 Quy luật bất biến của tiếp thị” được đúc kết bởi chính kinh nghiệm, nghiên cứu, quan sát của hai tác giả. Do đó, vào năm 1994, cuốn sách từng thu hút sự quan tâm và tranh luận của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này.
Đến thời điểm hiện tại, có thể 22 quy luật được liệt kê đã không còn phù hợp. Tuy nhiên, người làm chiến lược tiếp thị vẫn nên một lần đọc và nắm được các quy luật này để có thể hiểu được chiến lược tiếp thị trong quá khứ diễn ra như thế nào, nhận định lại hiểu biết của mình và kế thừa một số quy luật quan trọng vẫn còn giá trị cho đến bấy giờ.
Chẳng hạn, trong quy luật số 4 và số 5 của cuốn “22 Quy luật bất biến của tiếp thị” có đề cập đến việc người tiêu dùng đang sử dụng rất nhiều sản phẩm khác nhau nên không họ sẽ thường rất hiếm khi có thể ghi nhớ toàn bộ thông tin liên quan đến sản phẩm hoặc nhãn hàng. Điều này dẫn đến việc khi nhắc đến một thương hiệu, họ sẽ tập trung nhớ đến một đặc điểm nào đó. Người làm marketing cần tìm ra điểm đặc biệt nhất của thương hiệu là gì, từ đó khắc sâu nó vào trong tâm trí của người dùng.
Trong sách cũng có đề cập đến quy luật Division – quy luật số 10. Ở quy luật này, sau một thời gian thì ngành hàng sẽ phân nhỏ thành hai hay nhiều ngành hàng ngách do có nhiều đối thủ cạnh tranh tham gia, các đơn vị tham gia vào miếng bánh sau, không thể cạnh tranh trực tiếp nên mở ra phân ngạch thị trường riêng. Chẳng hạn như ban đầu thị trường đồ uống chỉ có nước lọc, sau đó có thêm nước có gas, nước khoáng,…. Tuy nhiên, hiện nay, các siêu ứng dụng thường lại tập hợp nhiều dịch vụ vào cùng một thương hiệu (điển hình như grab tích hợp cả xe ôm công nghệ, dịch vụ giao hàng, dịch vụ đặt thức ăn online,….), thì liệu quy luật đặt ra lại đứng trước những thách thức mới.
3. Chiến tranh Tiếp Thị (Marketing Warfare)
Hai tác giả Al Ries và Jack Trout cũng từng “chắp bút” cho một cuốn sách khác mang tên “Chiến tranh Tiếp thị”. Ở cuốn sách này, tác giả đưa ra khái niệm về chiến tranh và tiếp thị, so sánh chúng và rút ra những nguyên tắc chung nhất cho chiến lược. Người làm chiến lược tiếp thị có thể dựa vào những nguyên tắc này để có thể áp dụng rộng rãi vào chiến lược tiếp thị doanh nghiệp và thậm chí còn ở các bước quản trị doanh nghiệp khác.
4. Chiến lược Đại Dương Xanh (Blue Ocean Strategy)
Nếu như ở chiến tranh đòi hỏi phải có người chiến thắng dẫn đến cuộc đấu một mất một còn thì kinh doanh đương đại tập trung vào lý thuyết hợp tác cùng phát triển. Do đó, ứng dụng lý thuyết của cuốn “Chiến tranh Tiếp thị” cần đi kèm thêm với những lý thuyết khác. Và một trong những lý thuyết bạn cần đang nằm hoàn toàn trong “Chiến lược Đại Dương Xanh” – một cuốn sách của hai tác giả W. Chan Kim và Renée Mauborgne.
Trong cuốn sách này tác giả đã đã định nghĩa rõ làm như thế nào để một doanh nghiệp thay đổi tư duy, quy trình, từ đó có thể thoát khỏi thị trường đỏ – nơi cạnh tranh một mất một còn và tìm đến đại dương xanh, – một thị trường mới đầy tiềm năng và chưa có cạnh tranh.
So sánh giữa hai cuốn sách, có thể thấy “22 Quy luật bất biến của tiếp thị” tập trung giúp người đọc có thể tư duy bài bản và rành mạch thì “Chiến lược Đại Dương Xanh” lại giúp bạn có thể tạo ra được tư duy đột phá, thay đổi những tư duy cũ nhằm tạo được những giá trị mới trên thị trường.
Một ví dụ có thể thấy chính là thị trường máy bay. Nếu ngày trước phương tiện này là phương tiện di chuyển có những người giàu có thì hiện nay đã có nhiều hãng hàng không tập trung vào chuyến bay giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp, điển hình như Vietjet. Họ đã tập trung vào thị trường còn mới này bằng cách bỏ đi những dịch vụ không quá quan trọng (thức ăn trên chuyến bay, phòng chờ, khăn lau mặt trước mỗi chuyến bay,…) nhằm hạ giá thành và tiếp cận đúng nhóm đối tượng mục tiêu.
Trên đây là 4 cuốn sách mà người làm chiến lược tiếp thị cần có. Hãy đọc để có thể tiếp cận thêm nhiều góc nhìn, quan điểm thú vị khi làm chiến lược tiếp thị bạn nhé.
weshare team